Pages

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Đền Trần Nam Định

Việc bảo tồn các di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa vật thể nói riêng gồm thành quách, đền chùa, miếu mạo… là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của nhiều thế hệ dân tộc tiếp nối nhau. Đó là tài sản vô giá do tổ tiên ta đã tốn biết bao công sức, trí tuệ và tiền của để tạo dựng trong quá trình phát triển lịch sử của dân tộc, cụ thể như quần thể di tích Đền Trần.

Đền Trần Nam Định là một di tích lịch sử nổi tiếng của nước ta thờ các vua nhà Trần và các quan lại có công lớn trong thời Trần nằm ở phường Lộc Vựng, thành phố Nam Định. Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa cùng với các hạng mục như ngũ môn, hồ nước, nghi môn, sân trước, sân trong và giải vũ. Kiến trúc và quy mô của ba đên là ngang nhau gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là kinh đàn (thiêu hương) và 2 gian tả hữu.

Lễ hội đền Trần diễn ra từ ngày 13 – 15 tháng Giêng, và được mở đầu bằng lễ khai ấn vào đúng giờ Tý (từ 11 giờ đêm 14 đến 1 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng). Lễ hội được cử hành và diễn ra rất trang nghiêm cùng với các lễ rước từ các đình, đền xung quanh và lễ tế tự ở đền Thượng thờ 14 vị vua Trần. Lễ dâng hương có 14 cô gái đồng trinh. Còn phần hội của đền Trần được diễn ra với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú và đặc sắc như diễn võ năm thế hệ, đấu vật, múa lân, chơi cờ thẻ, đi cầu kiều, hát văn, múa bài bông... 

Lễ hội Đền Trần trở thành niềm tự hào của mỗi người dân Nam Định nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung mỗi khi nhớ về cội nguồn về các vị vua và tướng thời Trần. Vì vậy hàng năm có rất nhiều du khách đã tới đền Trần Nam Định để thắp hương thơm cầu cho công việc được thuận lợi , học hành thành đạt, và gặp nhiều may mắn. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét